Thứ Năm, 24 tháng 6, 2010

DI TÌM TÁC GIẢ BÀI THƠ "ĐÔI DÉP"




          
Có những bài thơ, dù được sáng tác cách đây hàng chục, thậm chí hàng trăm năm; trải qua rất nhiều thế hệ vẫn luôn luôn phù hợp, không bị coi là lỗi thời, nhàm chán; được mọi người tìm đọc, lưu giữ trong sổ tay và thuộc lòng… đơn giản là vì bài thơ ấy hay, rất hay, thậm chí còn được gán cho là “bất hủ”. Cũng có những nhà thơ rạng danh chỉ nhờ một bài thơ hay…
Nay bài thơ “Đôi dép” trôi nổi khắp nơi trên mạng. Nơi thì đề tác giả là Nguyễn Trung Kiên; nơi khác lại đề là “Thuận hóa”; nhưng cũng không ít nơi đăng bài thơ này và để khuyết danh. Rồi, cũng có người nhận là của Nữ sĩ Kiên Giang sống Tại Totronto hay của Lương Quang Ban…!
Có thể nói bài thơ: “Đôi dép” đầy cảm xúc, rất logic, nhưng cũng rất gần gũi với đời thường ; và, những ai đã từng được thưởng thức bài thơ này đều nói: đó là một trong những bài thơ tình hay nhất? Vậy ai là tác giả bài thơ “Đôi dép”?…“Đôi Dép” – Nguyễn Trung Kiên.

Bài thơ đầu anh viết tặng em

Là bài thơ anh kể về đôi dép

Khi nỗi nhớ ở trong lòng da diết

Những vật tầm thường cũng biến thành thơ


Hai chiếc dép gặp nhau tự bao giờ

Có yêu nhau đâu mà chẳng rời nửa bước

Cùng gánh vác những nẻo đường xuôi ngược

Lên thảm nhung xuống cát bụi cùng nhau


Cùng bước mòn, không kẻ thấp người cao

Cùng chia sẻ sức người đời chà đạp

Dẫu vinh nhục không đi cùng người khác

Số phận chiếc này phụ thuộc chiếc kia


Nếu ngày nào một chiếc dép mất đi

Mọi thay thế đều trở nên khập khiễng

Giống nhau lắm nhưng người đời sẽ biết

Hai chiếc này chẳng phải một đôi đâu


Cũng như mình trong những lúc vắng nhau

Bước hụt hẫng cứ nghiêng về một phía

Dẫu bên cạnh đã có người thay thế

Mà trong lòng nỗi nhớ cứ chênh vênh


Đôi dép vô tri khắng khít song hành

Chẳng thề nguyền mà không hề giả dối

Chẳng hứa hẹn mà không hề phản bội

Lối đi nào cũng có mặt cả đôi


Không thể thiếu nhau trên những bước đường đời

Dẫu mỗi chiếc ở một bên phải trái

Nhưng tôi yêu em ở những điều ngược lại

Gắn bó đời nhau vì một lối đi chung


Hai mảnh đời thầm lặng bước song song

Sẽ dừng lại khi chỉ còn một chiếc

Chỉ còn một là không còn gì hết

Nếu không tìm được chiếc thứ hai kia

Nguyễn Trung Kiên là ai? Có một số bài viết thể hiện “Nguyễn Trung Kiên sinh
28.4.1973, học Lớp Văn 1K, Đại học Sư Phạm, TP HCM”.
Có bài viết dẫn rằng: “Trung Kiên cho biết anh viết Đôi dép vào tháng 12-1997 và bài này đã được giải nhì của chương trình "Tiếng thơ sinh viên" 1998 của Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM (giải 1 là bài “Không đề” của Trần Đình Thọ)”.

Cảm hứng sáng tác bài thơ “Đôi dép” bắt nguồn từ cuộc tranh luận rất đời thường với một người bạn; rằng: khi người ta mang dép thì chiếc bên nào sẽ mòn trước?...
Đôi dép được viết khi anh chưa có người yêu. Sau khi cưới, anh đã tặng bài thơ này cho người vợ trẻ của mình, thể hiện tình yêu chung thủy, gắn bó suốt đời, sóng bước bên nhau….



Thế rồi, tôi cũng nhận thấy còn một người nữa đứng tên tác giả bài thơ “Đôi dép”!? Đó là Thuận Hóa!? Thuận Hóa viết bài thơ này tặng Công Tằng Tôn Nữ Ý Nhi! (Hy sinh mùa xuân năm 1968, tròn 21 tuổi. Biệt động thành Huế để lại một đôi dép). Nhưng Công Tằng Tôn Nữ Ý Nhi là ai? Nếu đã hy sinh năm 1968 thì chị phải được phong là Liệt sỹ chứ? Đôi dép chị để lại trước lúc hy sinh ấy, bây giờ còn không? Đó là một kỷ vật gây nên xúc cảm mãnh liệt, để Thuận Hóa thăng hoa?. Rất ít người được biết rõ về thông tin này…



Và, bài thơ “Đôi dép” ấy như sau: ĐÔI DÉP Tác giả Thuận Hóa

Vần thơ đầu anh viết tặng cho em

Là vần thơ anh viết về đôi dép

Khi anh nhớ ở trong lòng da diết

Đôi dép tầm thường cũng viết thành thơ


Hai chiếc dép gặp gỡ tự bao giờ

Có yêu nhau đâu mà chẳng rời nhau nửa bước

Đi làm Cách mạng những nẻo đường xuôi ngược

Từ bắc vào nam cát bụi cùng nhau


Cùng bước cùng mòn không kẻ thấp người cao

Cùng chung chia sẻ sức người đời chà đạp

Khi vinh nhục không đi cùng người khác

Số phận chiếc này phụ thuộc chiếc kia


Nếu một ngày một chiếc mất đi

Mọi thay thế đều trở nên khập khiễng

Giống nhau lắm nhưng người đi sẽ biết

Hai chiếc này chẳng phải một đôi đâu.


Cũng như mình trong những lúc vắng nhau

Bước hụt hẫng cứ nghiêng về một phía

Dẫu bên cạnh đã có người thay thế

Mà trong lòng... nỗi nhớ Ý Nhi ơi!


Đôi dép vô tư khắng khít bước song hành

Chẳng thề nguyền mà không hề giả dối

Chẳng hứa hẹn nhưng không hề phản bội

Lối đi nào cũng có mặt cả đôi


Không thiếu nhau trên những bước đường đời

Dẫu một chiếc ở mỗi bên phải trái

Như tôi yêu em bởi những điều ngược lại

Gắn bó đời nhau bằng một lối đi chung


Hai chúng mình thầm lặng bước song song

Sẽ dừng lại khi chỉ còn một chiếc

Chỉ còn một là không còn gì hết

Như anh và em... thương lắm Ý Nhi ơi!


Bỏ qua tất cả những cảm xúc trái chiều. Dù còn ngờ ngợ, chưa hẳn tin chắc tác giả bài thơ “Đôi dép” là ai? Nhưng, với lòng yêu thơ; tôn trọng sự thật khách quan… chúng ta đem hai bài thơ ra so sánh với nhau từng từ ngữ, bố cục kết cấu và tổng thể bài thơ xem có điểm gì giống, khác nhau hay không? Quả thực, chúng ta sẽ thấy có nhiều đáng bàn!

So sánh Bài thơ ĐÔI DÉP của Thuận Hóa (TH); với bài thơ “ĐÔI DÉP” của Trung Kiên (TK)
1. Hai câu mở đầu:
TK: Bài thơ đầu anh viết tặng em

Là bài thơ anh viết về đôi dép
Khi nỗi nhớ ở trong lòng da diết

Những vật tầm thường cũng biến thành thơ


TH: Vần thơ đầu anh viết tặng cho em

Là vần thơ anh viết về đôi dép

Khi anh nhớ ở trong lòng da diết

Đôi dép tầm thường cũng viết thành thơ




Vậy, “Bài thơ”? hay “Vần thơ”? khổ thơ thứ 3 TK thì viết “khi nỗi nhớ…”; còn TH lại là “Khi anh nhớ”!. Theo tôi TK có lý hơn.


2. Khổ thơ thứ 2:
TK: Hai chiếc dép kia gặp gỡ tự bao giờ

Có yêu nhau đâu mà chẳng rời nửa bước

Cùng gánh vác những nẻo đường xuôi ngược

Lên thảm nhung xuống cát bụi cùng nhau


TH: Hai chiếc dép gặp gỡ tự bao giờ

Có yêu nhau đâu mà chẳng rời nhau nửa bước

Đi làm Cách mạng những nẻo đường xuôi ngược

Từ Bắc vào Nam cát bụi cùng nhau


Ở khổ thơ này, ngay câu đầu tiên đã c
ó sự thêm, bớt từ “kia”; và, trong khổ thơ thứ 3 thì có sự khác biệt lớn: TK thì :”cùng gánh vác…”; còn TH lại “Đi làm cách mạng…”. Đặc biệt trong khổ thơ thứ tư thì hoàn toàn khác (chỉ giống về âm vần để kết một tứ thơ mà thôi) !?.Vậy, trong cùng một đề tài viết về đôi dép, những ý thơ đó nói lên điều gì? Có logic không? Có sát với hoàn cảnh thực tiễn không? Người đọc hẳn sẽ có sự so sánh, phân tích…và đi đến kết luận riêng của mình. Theo tôi: TK vẫn có lý hơn. Vì ý thơ rất tự nhiên, không bị gò ép vào “một không gian, hoàn cảnh đặc biệt” theo ý thức chủ quan của tác giả. Rõ ràng, ở câu thứ nhất “ Hai chiếc dép kia gặp gỡ tự bao giờ” hẳn là tự nhiên, đời thường hơn rất nhiều, so với câu thiếu chữ “kia” chứ!. Câu thứu 3 và 4 cũng vậy, ở TH tôi cứ thấy gượng gạo, bị gò ép thế nào ấy, không được tự nhiên lắm.

3.khổ thơ thứ 3:
TK: Cùng bước mòn, không kẻ thấp người cao
Cùng chia sẻ sức người chà đạp
Dẫu vinh nhục không đi cùng người khác
Số phận chiế này phụ thuộc chiếc kia

TH: Cùng bước cùng mòn không kẻ thấp người cao
Cùng chung chia sẻ sức người chà đạp
Khi vinh nhục không đi cung người khác
Số phận chiếc này phụ thuộc chiếc kia

Ở câu thơ thứ hai trong khổ thơ này ta thấy TK thì viết “Cùng chia sẻ…”; còn TH thì thêm từ ‘chung’ để thành câu “Cùng chung chia sẻ…”. Cùng chia sẻ là rõ ý rồi, cần gì phải thêm chữ ‘chung’nữa!?. Đến câu thứ 3 giữa 2 người vẫn có sự dùng từ ngữ khác nhau, tôi thấy chữ “khi” đặt trong hoàn cảnh này không chuẩn lắm.

4. Ở khổ thơ thứ tư:
TK: Nếu ngày nào một chiếc dép mất đi
Mọi thay thế đều trở nên khập khiễng
Giống nhau lắm nhưng người đời sẽ biết
Hai chiếc này chẳng phải một đôi đâu

TH: Nếu một ngày một chiếc mất đi
Mọi thay thế đều trở nên khập khiễng
Giống nhau lắm nhưng người đi sẽ biết
Hai chiếc này chẳng phải một đôi đâu.

Ở câu thơ đầu tiên, TK viết thật tự nhiên một giả định rất đời thường “Nếu ngày nào một chiếc dép mất đi”!; khác với TH “Nếu một ngày một chiếc mất đi”!; tiếp đến câu thứ 3 thì khác hẳn về chủ thể: TK thì nói “…người đời sẽ biết”; còn TH thì “…người đi sẽ biết”!. Hiển nhiên là: nếu ta bị mất đi một chiếc dép, nhưng không muốn vứt đi chiếc còn lại; nên mới lấy chiếc khác (của đôi khác, giống như chiếc đã mất) thay vào cho đủ một đôi để đi; thì chắc chắn “người đi” phải biết chứ? Việc gì phải nói rằng: người đi sẽ biết: “hai chiếc này chẳng phải một đôi đâu”!. Trong trường hợp này, TK dùng từ “người đời” là hợp lý.




5. Khổ thơ thứ năm:

TK: Cũng như mình trong những lúc vắng nhau

Bước hụt hẫng cứ nghiêng về một phía

Dẫu bên cạnh đã có người thay thế

Mà trong lòng nỗi nhớ cứ chênh vênh


TH: Cũng như mình trong những lúc vắng nhau

Bước hụt hẫng cứ nghiêng về một phía

Dẫu bên cạnh đã có người thay thế

Mà trong lòng... nỗi nhớ Ý Nhi ơi!


Trong khổ thơ này, ở 3 khổ đầu hai tác giả đều viết giống nhau; đến khổ thứ tư mới sử dụng từ ngữ khác nhau: TK “…nỗi nhớ cứ chênh vênh”, TH: “…nỗi nhớ Ý Nhi ơi!”. Theo tôi: 3 câu đầu của khổ thơ này viết như vậy mà câu thứ 4 viết như TH là không có lý. Vì ý tứ chính trong câu thơ này chỉ muốn nói (đại ý) rằng: với đôi dép, nếu vì lý do nào đấy mà bị thiếu đi một chiếc; thì chắc chắn ta sẽ bước hụt hẫng, luôn luôn nghiêng về một phía. Giả sử có lấy một chiếc dép khác thay vào (không phải là chiếc kia) để đi tạm; thì chiếc còn lại vẫn cứ nhớ chiếc kia khôn nguôi…

6. Khổ thơ thứ sáu:

TK: Đôi dép vô tri khắng khít song hành
Chẳng thề nguyền mà không hề giả dối
Chẳng hứa hẹn mà không hề phản bội
Lối đi nào cũng có mặt cả đôi.

TH: Đôi dép vô tư khắng khít bước song hành
Chẳng thề nguyền mà không hề giả dối
Chẳng hứa hẹn nhưng không hề phản bội
Lối đi nào cũng có mặt cả đôi

Đôi dép “vô tri” chứ ai gọi là đôi dép “vô tư”. Những vật dụng tầm thường, không biết ăn, không biết nới, không biết tư duy, suy nghĩ thì người ta thườg gọi đó là những vật “Vô tri, vô giác”; còn “vô tư” thì ngược lại…

7. Khổ thơ thứ bảy:
TK: Không thể thiếu nhau trên những bước đường đời
Dẫu mỗi chiếc ở một bên phải trái
Nhưng tôi yêu em ở những điều ngược lại
Gắn bó đời nhau vì một lối đi chung


TH: Không thiếu nhau trên những bước đường đòi
Dẫu một chiếc ở mỗi bên phải trái
Như tôi yêu em bởi những điều ngược lại
Gắn bó đời nhau bằng một lối đi chung

Sự khác nhau chỉ là những câu, từ do từng tác giả sử dụng trong cách đặt câu (cho khác đi một tý!?); ai cũng biết ý nghĩa của “không thể thiếu”, với “không thiếu” là (tương đối) như nhau (chỉ khác một chút là sự khẳng định mạnh mẽ hơn ở “không thể thiếu”…). Còn “dẫu mỗi chiếc” và “dẫu một chiếc” thì có gì khác nhau đâu?. Nhưng ở câu kết của khổ thơ này thì bạn đọc ai cũng câu nào có ý nghĩa hơn, sát thực hơn…

8. Khổ thơ thứ tám.

TK: Hai mảnh đời thầm lặng bước song song

Sẽ dừng lại khi chỉ còn một chiếc

Chỉ còn một là không còn gì hết

Nếu không tìm được chiếc thứ hai kia!


TH: Hai chúng mình thầm lặng bước song song

Sẽ dừng lại khi chỉ còn một chiếc

Chỉ còn một là không còn gì hết
Như anh và em... thương lắm Ý Nhi ơi!

Ở khổ thơ này đã hiện rõ sự vô lý của TH, khi viết “ Hai chúng mình thầm lặng bước song song/ Sẽ dừng lại khi chỉ còn một chiếc…”; Tại sao hai người đang bên nhau, mà khi mất đi một chiếc dép phải dừng lại? trên con đường đi làm cách mạng, nếu người bạn, đồng đội (hoặc người yêu) hy sinh thì người kia phải tiếp tục nén đau thương để tiếp tục chiến đấu, không thể dừng lại. và, càng gượng gạo hơn khi ta đọc câu thứ 3 và 4 của TH: “Chỉ còn một là không còn gì hết/ Như anh và em…thương lắm Ý Nhi ơi!”. Trong văn học, nếu viết về liệt sỹ đã hy sinh (cho dù là người bạn gái, người yêu của mình) thì cũng không thể tiêu cực như thế (chỉ còn một là không còn gì hết)!?. Nếu chỉ viết về một đôi dép đơn thuần (dù có nhân cách hóa lên là tình yêu giữa 2 người) thì viết như TK mới có thể chấp nhận được “Chỉ còn một là không còn gì hết/ Nếu không tìm được chiếc thứ hai kia”.

Thật tình, tôi thấy bài thơ “ĐÔI DÉP” rất hay, tác giả phải có cảm hứng mãnh liệt mới sáng tác được như thế. Hay ở chỗ, chỉ là một đôi dép rất đời thường (vì ai cũng phải đi dép hàng ngày); thế nhưng có mấy người nhận ra được sự gắn bó kỳ diệu “của chúng”! Hai chiếc dép kia gặp gỡ tự bao giờ? Có yêu nhau đâu mà chẳng rời nửa bước.
Theo tôi, bài thơ này chỉ hay từ khổ thở thứ hai trở đi mà thôi; còn khổ đầu không có cũng được.Thực tế những ai yêu thích bài thơ này đa số họ cũng chỉ chép từ khổ thơ thứ hai trở đi.

Như trên tôi đã mạo muội so sánh sự khác nhau về bài thơ này được chép đăng trên mạng, dưới tên hai tác giả Trung Kiên và Thuận Hóa. Hẳn bạn đọc cũng phần nào tự hỏi: Vậy ai mới đích thực là tác giả bài thơ “ĐÔI DÉP”? Câu hỏi này thật không dễ trả lời. Chỉ có những người trong cuộc mới biết…;Thế nhưng, cho đến nay họ đều im lặng một cách tế nhị, chẳng ai lên tiếng cả. Vậy thì, thekao dù có một chút “khiếm nhã” đưa ra vài lời nhận xét trong bài viết này cũng mong được quý vị lượng thứ. Tất cả cũng chỉ vì quá yêu thích bài thơ này mà thôi.

Thekao2008.