Đêm Cao nguyên không ngủ, tôi lang thang đi dạo dọc bờ sông ĐăkLa xanh; những làn gió mát rượi từ bờ bên kia thổi tới xua đi cái nóng ban ngày khắc nghiệt của mùa khô Tây Nguyên. Khi đến gần một vạt ngô đồng đầu mùa, chợt nghe tiếng hát của một thiếu nữ nào vọng lại:
Ơ ơ ơ... qua bến đò quan
Dô khoan dô khoan mà lắng nghe sóng nước ơ ơ...
Mênh mang tình người
Bến nước quê tôi ai qua mà chẳng nhớ...
Câu hát trong bài "Qua bến đò quan" đó mà - tôi thì thầm, tâm tưởng cuốn theo cảm xúc của những giai điệu mượt mà của bản tình ca mang đậm âm hưởng quê hương tôi - mảnh đất Nam Hà thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước (tỉnh cũ, sau này tách ra thành tỉnh Nam Định và Hà Nam).
Nhớ tiếng còi tầm âm vang trong lòng người thợ...
Hòa cùng máy sợi, máy tơ...
Ngày còn học sinh cấp 3, tôi đã rất yêu thích bài hát này. Ngày ấy mỗi khi đêm về, học bài xong nằm trên giường tôi lại hát thầm và mơ màng thả hồn theo những giai điệu mượt mà, êm dịu thiết tha của miền quê sông nước.
Dù chưa một lần "Qua bến đò quan" nhưng sao trong tôi luôn thổn thức nỗi nhớ mông lung thế nhỉ?
...Dệt trọn ước mơ của người chiến sỹ năm xưa...
Nhớ ngày còn trong quân ngũ, lần tôi bị sốt rét nằm bệnh xá Sư đoàn trong sân bay Tân Sơn Nhất; dạo đó cứ khoảng tầm 13 giờ chiều không hiểu sao đài tiếng nói Việt Nam hay phát bài hát này thế. Nằm trên giường bệnh nghe hát tôi càng nhớ nhà da diết; có lúc tôi bật khóc thầm, nhưng miệng vẫn lầm bầm hát theo mới "hâm" chứ! Cũng may, ngày đó chưa có người yêu, nếu không chắc nhớ không chịu nổi...
Đang thả hồn theo tiếng hát của cô thôn nữ bên sông, tôi bỗng giật thót mình suýt ngã nhào xuống nước, bởi bóng người ngồi ngay phía trước sát mé sông. Tá hỏa tâm tinh, tôi chợt nhận ra đó là một người bản xứ đang ngồi câu cá ban đêm. Qua mấy câu chào hỏi xã giao, tôi được anh ta giới thiệu tên là A Chứ; nhà anh ở sát mé sông này, cách chỗ ngồi câu chưa đầy 30 mét.
A Chứ có vợ và 2 con; vợ anh chính là cô gái vừa cất tiếng hát bài "Qua bến đò quan" đó. A Chứ là thương binh; còn Thơm - vợ A Chứ, là thanh niên xung phong. Cô gái Nam Hà và Anh thương binh A Chứ yêu nhau trong thời gian ở Viện điều dưỡng và họ cưới nhau; sau đó về lập nghiệp ngay trên quê hương chồng. Tình yêu của họ thật đẹp, đẹp như truyền thuyết của con sông ĐăkLa chảy ngược này và thơ mộng, dịu dàng thủy chung như bến đò quan quê chị .
Chia tay A Chứ, đêm đã khuya tôi không dám vô nhà gặp chị Thơm, không còn nghe tiếng chị hát nữa. Trong căn nhà nhỏ bình dị đó, chắc giờ này sau khi hát ru con bằng bài hát quê hương, chị và các con đều đã ngủ.
Đất nước đã yên bình 35 năm giải phóng. Mẹ con chị hãy ngủ ngon và trong mơ lại hát tiếp bài "Qua bến đò quan", chị nhé!
...Bến sông kia,
Bè ai xuôi, kia thuyền ai ngược
Nhộn nhịp như cánh thoi đưa
Đưa thuyền đi trẩy hội mùa...
Hỡi ai, đi xa còn nhớ...
thekao2008
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét